Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số

Thông tin phát triển ngành  
Phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số
Nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; phát huy sáng kiến mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Công văn số 918/UBND-KGVX ngày 06/4/2022 về việc thí điểm triển khai Tổ CNSCĐ tại thôn, tổ dân phố, Sở Thông tin và Truyền thông đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện triển khai mô hình Tổ CNSCĐ trên địa bàn tỉnh.

Sở đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn, triển khai việc thành lập và hoạt động của Tổ CNSCĐ các cấp như: Công văn số 428/STTTT-BCVTCNTT ngày 20/4/2022 về việc đôn đốc triển khai thực hiện việc thành lập các Tổ CNSCĐ; Công văn số 546/STTTT-BCVTCNTT ngày 26/5/2022 về việc triển khai hoạt động của các Tổ CNSCĐ cấp thôn; Công văn số 665/STTTT-BCVTCNTT ngày 20/4/2022 về việc đôn đốc triển khai thực hiện việc thành lập các Tổ CNSCĐ cấp xã; Công văn số 907/STTTT-BCVTCNTT ngày 12/8/2022 về việc phổ cập kỹ năng số cộng đồng đến thành viên Tổ CNSCĐ và người dân; Công văn số 996/STTTT-BCVTCNTT ngày 07/9/2022 về việc triển khai thực hiện việc thành lập 100%  các Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hà Nam triển khai thí điểm Tổ CNSCĐ tại 06/06 huyện, thành phố, thị xã. Theo đó mỗi huyện, thị xã, thành phố lựa chọn 03 xã, phường, thị trấn, mỗi đơn vị thành lập 01 Tổ CNSCĐ cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã), mỗi thôn một Tổ CNSCĐ cấp thôn, tổ dân phố (gọi chung là cấp thôn). Đến tháng 9/2022, tỉnh Hà Nam triển khai thành lập mô hình Tổ CNSCĐ tại 100% các xã, phường, thị trấn, các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 109 Tổ CNSCĐ cấp xã với 555 thành viên, 686 Tổ CNSCĐ cấp thôn với 3.430 thành viên. Thành phần  và số lượng của các Tổ CNSCĐ đảm bảo đúng, đủ theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Với mục tiêu đưa công nghệ số đến từng “ngõ", “từng hộ gia đình", tiếp cận mọi tầng lớp nhân dân, các Tổ CNSCĐ đều có nòng cốt là lãnh đạo, đoàn viên thanh niên, hội viên Hội phụ nữ xóm/tổ dân phố. Theo đó, ngay sau khi các Tổ CNSCĐ được thành lập, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cùng Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho các thành viên Tổ CNSCĐ các cấp. Cụ thể: Phối hợp với Viettel chi nhánh Hà Nam tổ chức 16 lớp, phối hợp với VNPT Hà Nam tổ chức 22 lớp tập huấn về chuyển đổi số cho thành viên Tổ CNSCĐ; phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tổ chức Hội nghị tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số  cho tất cả các thành viên Tổ CNSCĐ các cấp trên địa bàn tỉnh bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến thông qua hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã với tổng số 4.200 người tham dự.

DSC_3249.jpg
DSC_3272.jpg

​Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho tất cả các thành viên Tổ CNSCĐ các cấp trên địa bàn tỉnh

Tại các lớp tập huấn, các thành viên Tổ CNSCĐ các cấp được giới thiệu, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hà Nam. Hướng dẫn cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các nền tảng số như phần mềm tập huấn giáo viên, sổ liên lạc điện tử, phần mềm dạy học trực tuyến; sổ sức khỏe điện tử phần mềm tiêm chủng mở rộng; thanh toán số; hướng dẫn đăng ký cài đặt và sử dụng các tài khoản thanh toán điện tử, mô hình chợ 4.0 thanh toán số; sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số; tham gia sàn thương mại điện tử... Cũng tại các buổi tập huấn, các thành viên Tổ CNSCĐ được hướng dẫn cách tham gia kênh Zalo OA “Chuyển đổi số quốc gia" để kịp thời nhận được, nắm bắt, cập nhật các chủ trương, định hướng, thông tin về các hoạt động chuyển đổi số quốc gia, các bộ, ngành, địa phương, làm nền tảng kiến thức phục vụ cho việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân.

Bên cạnh đó, nhằm thuận tiện trong việc trao đổi, thông tin, tuyên truyền nhiều nhóm Zalo đã được thành lập, thống nhất xuyên suốt từ tỉnh đến thôn. Cả tỉnh hiện đã thành lập 01 nhóm Zalo điều hành chung toàn tỉnh, 109 nhóm Zalo của Tổ CNSCĐ cấp xã, 686 nhóm Zalo của Tổ CNSCĐ cấp thôn. Cùng với đó, tại các thôn, tổ dân phố, thành viên Tổ CNSCĐ cấp thôn cũng thành lập các nhóm Zalo cộng đồng hoặc tận dụng các nhóm Zalo đã được thành lập sẵn của người dân để trao đổi, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tại địa phương. Các nhóm Zalo này đều có sự kết nối thông qua các thành viên đầu mối, đảm bảo thông tin tuyên truyền được xuyên suốt, thống nhất và đều có sự tham gia của thành viên là cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp viễn thông để kịp thời hỗ trợ người dân.

Ngoài ra, thực hiện Công văn số 3097/BTTTT-THH ngày 29/7/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc phổ cập kỹ năng số cộng đồng đến thành viên của Tổ CNSCĐ và người dân, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 907/STTTT-BCVTCNTT ngày 12/8/2022 về việc phổ cập kỹ năng số cộng đồng đến thành viên Tổ CNSCĐ và người dân gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu triển khai các nội dung như: Phổ biến tài liệu về kỹ năng số cộng đồng do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo; triển khai khóa bồi dưỡng “Phổ cập kỹ năng số cộng đồng" đến thành viên các Tổ CNSCĐ và người dân...

Các Tổ CNSCĐ bước đầu hoạt động đã đạt được một số kết quả nhất định. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn được thực hiện linh hoạt thông qua các nhóm Zalo hoặc thông qua các buổi họp của nhân dân tại khu dân cư. Qua công tác tuyên truyền phổ biến về chuyển đổi số, người dân bước đầu đã làm quen với khái niệm chuyển đổi số, từng bước cài đặt và sử dụng các ứng dụng thông minh phục vụ công việc và cuộc sống. Tính đến ngày 30/10/2022, qua các hoạt động của Tổ CNSCĐ đã có hơn 430 đường Internet được người dân đăng ký mới; 1.125 thuê bao đi động nâng cấp sim 4G; hơn 350 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt được đăng ký; 13 doanh nghiệp đăng ký sử dụng chữ ký số...

Tuy nhiên, hoạt động của Tổ CNSCĐ ban đầu còn gặp nhiều khó khăn như: Một số tổ trưởng của Tổ CNSCĐ cấp thôn do tuổi cao, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin chậm; một số thành viên không có điện thoại thông minh. Do đó việc trao đổi, triển khai các hoạt động của Tổ CNSCĐ trên các nhóm Zalo chưa thực sự hiệu quả; có nhiều người dân dùng điện thoại thông minh nhưng không sử dụng dịch vụ mạng, trình độ sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế nên việc hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt sử dụng các dịch vụ số còn gặp nhiều khó khăn; kinh phí để các Tổ CNSCĐ hoạt động không có.

Để triển khai có hiệu quả việc chuyển đổi số từ cơ sở và phát huy hiệu quả của Tổ CNSCĐ, góp phần đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, Sở đề ra phương hướng, nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới: Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số; các văn bản chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh về chuyển đổi số và các tài liệu có liên quan đến các Tổ CNSCĐ và người dân. Tiếp tục triển khai hoạt động của Tổ CNSCĐ, đặc biệt là về chính quyền số: Hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hà Nam; sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số được đánh giá và lựa chọn.Về kinh tế số: Hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như "voso.vn", "postmart.vn"; mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm, cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng; hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.Về xã hội số: Hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt… thông qua các nền tảng số./.