Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà N...

Thông tin phát triển ngành  
Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2022
Năm 2022, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, thị xã đã sử dụng hiệu quả các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử; Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh. Các văn bản đến và đi đều được xử lý theo quy trình và thực hiện ký số, gửi, nhận qua mạng theo quy định.

Các cơ quan đã cung cấp đầy đủ, kịp thời dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cụ thể: Hạ tầng kỹ thuật CNTT được đảm bảo, 100% các cơ quan được kiểm tra đều có mạng LAN, có phòng máy chủ riêng để lắp đặt thiết bị mạng, máy chủ, thiết bị tường lửa và hệ thống chống sét; phần lớn cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan được trang bị máy tính. Việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin được chú trọng, các cơ quan được kiểm tra đều bố trí 01máy tính, máy in dành riêng cho soạn thảo văn bản bảo mật (không kết nối mạng LAN, Internet); 100% các cơ quan đều trang bị thiết bị tường lửa cứng để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; phần lớn máy tính của các cơ quan được cài đặt phần mềm diệt virus có bản quyền; các cơ quan đều có cán bộ tham gia đào tạo, tập huấn chuyên sâu hàng năm về an toàn, an ninh thông tin do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức; thực hiện sao lưu dữ liệu các phần mềm được đảm bảo tối thiểu 01 lần/tuần.

Các cơ quan sử dụng, ứng dụng hiệu quả phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; sử dụng chữ ký số; thư điện tử công vụ; các ứng dụng CNTT khác. Các cơ quan, đơn vị quan tâm ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp,cập nhật thông tin lên trang thông tin điện tử của cơ quan mình, số lượng thông tin cập nhật tương đối đầy đủ theo quy định; cập nhật đầy đủ hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Cơ chế, chính sách, quy định và chế độ báo cáo, trả lời văn bản về ứng dụng CNTT đều được đẩy mạnh trong hoạt động của các cơ quan.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong việc ứng dụng CNTT tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2022 còn những tồn tại hạn chế. Về hạ tầng CNTT và bảo đảm an toàn thông tin: Các cơ quan mới chỉ quan tâm trang bị máy tính cho cán bộ công chức làm việc, chưa quan tâm đầu tư các phần mềm có bản quyền (như hệ điều hành máy tính, phần mềm văn phòng, phần mềm diệt vi rút) và các thiết bị nhằm bảo đảm an toàn thông tin; chưa xây dựng hồ sơ đề xuất cấp độ bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin hiện có của các cơ quan. Số lượng thủ tục hành chính mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến còn ít. Tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích còn ít. Nhân lực về CNTT tại một số cơ quan, cán bộ chuyên trách CNTT không có trình độ chuyên môn về CNTT nên gặp khó khăn trong việc quản trị, vận hành, bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin của các cơ quan.

Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Bộ Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp tỉnh (thay thế Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Hà Nam).

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại hạ tầng kỹ thuật CNTT, bố trí kinh phí ưu tiên đầu tư trang thiết bị CNTT, xác định cấp độ và xây dựng hồ sơ đề xuất cấp độ bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin hiện có của các cơ quan. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số; tổ chức thực hiện có hiệu quả các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh; tăng cường sử dụng chữ ký số và thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử đã ký số qua phần mềm Quản lý văn bản và điều hành thay cho việc gửi, nhận văn bản giấy; rà soát, cung cấp đầy đủ, kịp thời dịch vụ công trực tuyến theo quy định. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến./.​