Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kết quả thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực bưu chính năm 2022

Thông tin phát triển ngành  
Kết quả thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực bưu chính năm 2022
Năm 2022, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bưu chính trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Một số kết quả nổi bật như: Công tác quản lý, cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính đi vào nền nếp; giao doanh nghiệp bưu chính công ích đảm nhận một số công việc tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại địa phương; hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Nam.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 12 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, trong đó có 07 chi nhánh, văn phòng đại diện. Tổng số điểm phục vụ bưu chính là 204. Riêng Bưu điện tỉnh Hà Nam có 134 điểm phục vụ bưu chính (133 điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ và 01 thùng thư công cộng độc lập), trong đó có 98 điểm bưu điện - văn hóa xã; 01 bưu cục cấp 1; 05 bưu cục cấp 2; 28 bưu cục cấp 3 và 01 bưu cục phát. Doanh thu dịch vụ bưu chính tính đến hết quý III năm 2022: 598.503 triệu đồng; số lượng lao động lĩnh vực bưu chính gần 500 người, trong đó tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 30%.

Trong năm, sở đã thực hiện 01 cuộc kiểm tra về hoạt động bưu chính đối với các đơn vị bưu chính chuyển phát trên địa bàn; 01 cuộc điều tra sản lượng và giá cước bình quân đối với dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) và dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2022. Kết quả nhìn chung các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát thực hiện tốt các quy định của nhà nước trong hoạt động, bưu chính. Các doanh nghiệp đều niêm yết công khai, đầy đủ các danh mục vật phẩm hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính; niêm yết công khai về chất lượng, dịch vụ, bảng giá cước dịch vụ, quy trình giải quyết, khiếu nại và các thông tin liên quan về dịch vụ bưu chính. Các doanh nghiệp đều thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính, chuyển phát, chưa có doanh nghiệp nào vi phạm về vật phẩm hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính. Phần lớn các chứng từ chấp nhận bưu gửi (phiếu gửi) chiều đi, đến của các doanh nghiệp đều đảm bảo đúng quy định, đúng giá cước, ghi đầy đủ nội dụng thông tin và đảm bảo chỉ tiêu thời gian trong toàn trình.

Tuy nhiên còn 01 đơn vị chưa có văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính do Sở Thông tin và Truyền thông cấp; thay đổi người đại diện theo pháp luật, chuyển địa điểm hoạt động mà chưa có văn bản thông báo thay đổi tới Sở Thông tin và Truyền thông theo quy định, một số đơn vị chưa thường xuyên tự kiểm tra kiểm soát các phiếu gửi nên còn tình trạng nhầm tuyến dẫn đến giao hàng chậm. Đoàn chỉ rõ thiếu sót nghiêm khắc nhắc nhở yêu cầu đơn vị khắc phục tồn tại. Không xử lý vi phạm. Năm 2022, Sở cấp 01 Văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.

Triển khai thực hiện Kế hoạch số 2636/KH-UBND ngày 05/10/2021 về hỗ trợ đưa hộ SXNN lên sàn sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Nam, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền chủ trương của UBND tỉnh về hỗ trợ hộ SXNN lên sàn TMĐT.

Bưu điện tỉnh Hà Nam và Chi nhánh Bưu chính Viettel Hà Nam đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia các sàn TMĐT: PostMart.vn, VoSo.vn và Santhuongmaihanam.com.vn.

Sở Công Thương đã phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương triển khai 03 đề án phát triển TMĐT: Đề án “Nâng cấp Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Hà Nam (xây dựng App trên điện thoại di động)"; Đề án “Xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho một số sản phẩm của tỉnh Hà Nam"; Đề án “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực TMĐT trên địa bàn tỉnh Hà Nam". Các đề án được triển khai đều bảo đảm chất lượng và hiệu quả.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ xây dựng Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm tỉnh Hà Nam (https://hna.check.net.vn), mời chuyên gia tư vấn, hỗ trợ tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản kiến thức về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sử dụng không gian mạng để quảng bá, bán hàng trên sàn TMĐT.

Kết quả, đến nay có hơn 40 hộ/cơ sở tham gia sàn TMĐT với hơn 240 sản phẩm được giới thiệu quảng bá, truy xuất. Các sản phẩm được tiêu thụ trên 63 tỉnh thành và xuất khẩu ra thị trường quốc tế (như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, ASEAN...).

Tuy nhiên, đến nay, việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT mới chủ yếu được áp dụng với các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và các hộ điển hình, đối với đại đa số các hộ thì còn mới, việc tiếp cận công nghệ thông tin còn chậm; hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ, tính liên kết chưa cao, sản phẩm theo mùa vụ, hư hỏng nhanh; xăng dầu tăng giá làm giá cước vận tải tăng cao và khó dự đoán, làm tăng chi phí, gây khó khăn cho hoạt động mua bán qua sàn.

Thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2138/QĐ-UBND ngày 16/11/2022 phê duyệt Đề án thí điểm thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ BCCI đảm nhận việc hướng dẫn, tiếp nhận, số hoá hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC thay công chức, viên chức của một số sở, ban, ngành tại Trung tâm Phục vụ hành chính công - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam. Thời gian thực hiện thí điểm là 06 tháng, bắt đầu từ tháng 01 năm 2023. Phạm vi thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh: Thực hiện việc thí điểm giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ BCCI bố trí nhân viên đảm nhận việc hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC của 06 sở (Thông tin và Truyền thông; Nội vụ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Tài nguyên và Môi trường).

Ngày 04/12/2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 1430/STTTT-BCVTCNTT về việc triển khai Đề án Thí điểm thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ BCCI đảm nhận việc hướng dẫn, tiếp nhận, số hoá hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan thực hiện đề án thí điểm cử cán bộ đầu mối: Trực tiếp tập huấn cho nhân viên Bưu điện tỉnh trong việc tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hà Nam; tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn, giải quyết vướng mắc của nhân viên Bưu điện tỉnh khi chính thức thực hiện thí điểm (trong thời gian 06 tháng từ ngày 01/01/2023 đến 31/6/2023).

Đến nay, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa có văn bản quy định về giá, đơn giá cung cấp dịch vụ đối với việc thuê doanh nghiệp cung ứng dịch vụ BCCI đảm nhận một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hoá hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC, do vậy tỉnh chưa có cơ sở để xây dựng được mức giá, đơn giá phù hợp tương ứng với từng công việc trong mỗi công đoạn của quá trình giải quyết TTHC giao doanh nghiệp BCCI thực hiện.

Để tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, tại Công văn số 1426/STTTT-BCVTCNTT ngày 04/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông về báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ bưu chính năm 2022, Sở đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Tổng công ty Cổ phần bưu chính Viettel bảo đảm về nguồn lực, hạ tầng kỹ thuật công nghệ để quản lý và vận hành các sàn TMĐT; hỗ trợ các sàn TMĐT chứng nhận sản phẩm bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa; hỗ trợ các sàn TMĐT trong việc thực hiện các thủ tục xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu ra quốc tế; ban hành định mức chi cụ thể đối với từng nội dung chi tương ứng với từng công việc trong mỗi công đoạn của quá trình giải quyết TTHC giao doanh nghiệp BCCI thực hiện (hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC) làm cơ sở để địa phương xây dựng dự toán kinh phí thực hiện đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối ngân sách; quy định cụ thể về giá cước dịch vụ, quy định đóng gói, quy đổi trọng lượng, chính sách giá… tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể về việc bố trí kinh phí cho các sở thông tin và truyền thông thực hiện việc điều tra trong lĩnh vực bưu chính./.

Thùy Linh​