Về công tác thông tin tuyên truyền, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng các cơ quan báo chí của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức và kỹ năng về chuyển đổi số; tăng cường tuyên truyền chủ trương của UBND tỉnh về TMĐT; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện thực hiện tốt các hoạt động thông tin, tuyên truyền để nhân dân biết, nắm bắt được cơ chế, chính sách liên quan đến TMĐT. Chuyên mục “Chuyển đổi số" trên Cổng thông tin điện tử tỉnh thường xuyên thông tin về nội dung chương trình chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Nam, cung cấp thông tin hữu ích phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cổng thông tin điện tử của các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành liên quan thường xuyên đăng tải tin, bài tuyên truyền về chuyển đổi số, TMĐT…
Về đẩy mạnh phát triển hạ tầng mạng Internet phục vụ phát triển TMĐT; hoàn thiện các nền tảng, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an toàn thông tin cho hoạt động TMĐT, hiện nay mạng lưới viễn thông, Internet đạt tốc độ phát triển nhanh, rộng khắp trên toàn tỉnh, đảm bảo cung cấp các dịch vụ về viễn thông và internet chất lượng tốt với nhiều loại hình phong phú, đa dạng phục vụ khách hàng và các doanh nghiệp. 100% các xã, phường, thị trấn đều có đường truyền cáp quang, Internet cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố; 100% dân số được phủ sóng thông tin di động 2G; 95% dân số được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G. Hiện nay, 100% các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố đều có mạng cục bộ (LAN) và kết nối Internet. Tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên là 100%. Tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức cấp xã là 85%. Đã trang bị một số máy chủ và các thiết bị cần thiết tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh. Triển khai kết nối Mạng truyền số liệu cấp II cho 138 cơ quan, đơn vị (các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã) để triển khai các dịch vụ, các nền tảng số phục vụ việc quản lý, điều hành chung của tỉnh để đảm bảo an toàn thông tin.
Đã triển khai Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP) và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) để khai thác các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của quốc gia. Đang thực hiện các thủ tục để triển khai chính thức LGSP. Hiện tại đã kết nối LGSP với NGSP của một số hệ thống chuyên ngành của các bộ, ngành trung ương như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến (Bộ Tư pháp), Hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách (Bộ Tài chính), Hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hệ thống phục vụ dịch vụ công của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và đang triển khai kết nối khai thác các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đã sẵn sàng trên NGSP.
Về hỗ trợ các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, doanh nghiệp và người dân trong việc ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức đào tạo, tập huấn về công nghệ thông tin phục vụ ứng dụng TMĐT cho doanh nghiệp và người dân, hiện nay 3.247 chữ ký số (trong đó USB Token: 3.089, Sim PKI: 158) đã được cấp cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các phòng, ban, đơn vị trực thuộc; UBND các xã, phường, thị trấn; cá nhân lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, lãnh đạo UBND các xã phường, thị trấn, kế toán, cán bộ, công chức, viên chức Bộ phận một cửa của các cơ quan, đơn vị... Các cơ quan đã sử dụng chữ ký số của cơ quan; chữ ký số của cá nhân để ký số trên văn bản điện tử. Đã triển khai việc kết nối, tích hợp chữ ký số công cộng lên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam để phục vụ người dân và doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong việc nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện. Đã triển khai tích hợp chữ ký số công cộng từ xa lên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam để đảm bảo thuận tiện, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hàng năm, sở tổ chức 01 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng cho cán bộ quản trị mạng của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố; tổ chức 01 hội nghị tập huấn cho thành viên Đội Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng; tổ chức diễn tập thực chiến với hệ thống trang thông tin điện tử Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông với tất cả các thành viên Đội Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tham gia; tổ chức hội nghị tập huấn chữ ký số và dịch vụ công trực tuyến cho cán bộ bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã.
Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Chương trình bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 679 đối tượng lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo nguồn của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh bằng hình thức trực tuyến thông qua nền tảng Onetouch. Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) của Bộ Công an và Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội: Đợt 1, tổ chức 04 lớp tập huấn “Nâng cao nhận thức chuyển đổi số, hỗ trợ thực hiện hiệu quả công tác triển khai Đề án 06" cho cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Nam với 2.555 học viên tham dự. Đợt 2, tổ chức 01 lớp tập huấn “Nâng cao nhận thức an toàn trên không gian số (Cyber Security Essentials)" cho cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Nam với 2.556 học viên tham dự.
Toàn tỉnh đã thành lập 100% Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn (109 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 555 thành viên, 686 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 3.430 thành viên). Thành phần và số lượng của các Tổ công nghệ số cộng đồng đảm bảo đúng, đủ theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tổ chức Hội nghị tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu UBND tỉnh tới 06 điểm cầu huyện, thị xã, thành phố và 109 điểm cầu các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh với khoảng 4.200 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp trên địa bàn tỉnh tham gia. Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp đã tổ chức hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các nền tảng số như phần mềm tập huấn giáo viên, sổ liên lạc điện tử, phần mềm dạy học trực tuyến; sổ sức khỏe điện tử phần mềm tiêm chủng mở rộng; thanh toán số; hướng dẫn đăng ký cài đặt và sử dụng các tài khoản thanh toán điện tử, mô hình chợ 4.0 thanh toán số; sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số; tham gia sàn TMĐT... Qua các hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng đã có hơn 430 đường Internet được người dân đăng ký mới; 1.125 thuê bao đi động nâng cấp sim 4G; hơn 350 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt được đăng ký; 13 doanh nghiệp đăng ký sử dụng chữ ký số...
Về hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi số trong doanh nghiệp vừa và nhỏ, tỉnh Hà Nam có trên 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, tập trung chủ yếu tại thành phố Phủ Lý và trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là 4.066 doanh nghiệp. Khoảng 2.777 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng nền tảng số. Sở Công Thương đã phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương triển khai 03 đề án phát triển TMĐT: Đề án “Nâng cấp Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Hà Nam (xây dựng App trên điện thoại di động)"; Đề án “Xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho một số sản phẩm của tỉnh Hà Nam" (đã hỗ trợ cho 10 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó có 04 đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp); Đề án “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực TMĐT trên địa bàn tỉnh Hà Nam". Các đề án được triển khai đều bảo đảm chất lượng và hiệu quả.
Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ cho 10 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp tham gia và có tài khoản bán hàng/gian hàng trên sàn, có tài khoản thanh toán điện tử; tổ chức hội nghị tập huấn cho 31 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia lớp đào tạo, tập huấn về phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, kỹ năng ứng dụng TMĐT trong kinh doanh; khai thác, mở rộng mạng lưới phân phối, bán lẻ trên sàn giao dịch TMĐT cho các đơn vị sản xuất kinh doanh.
Bưu điện tỉnh Hà Nam tạo 10.036 tài khoản cho các hộ sản xuất nông nghiệp; đưa 35 sản phẩm OCOP lên sàn PostMart. Chi nhánh Bưu chính Viettel tạo 1.143 tài khoản cho các hộ sản xuất nông nghiệp; đưa 49 sản phẩm OCOP lên sàn Voso.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Hà Nam, các đơn vị liên quan hỗ trợ 40 hộ sản xuất nông nghiệp với 250 sản phẩm nông sản của tỉnh lên các sàn TMĐT: Voso, Postmart… hỗ trợ 10 cơ sở sản xuất nông sản đưa các sản phẩm lên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm tỉnh Hà Nam https://hna.check.net.vn/. Các sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đạt chứng nhận VietGap, OCOP… đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nên nhận được sự tin tưởng của khách hàng.
Đến nay 99,71% số doanh nghiệp của tỉnh đã nộp thuế điện tử. 100% số doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. 2.555 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng tên miền .vn. Trên địa bàn tỉnh có 143 điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối Internet băng rộng cố định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển TMĐT của tỉnh, đó là: Hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ, tính liên kết chưa cao. Công nghiệp công nghệ thông tin chưa phát triển mạnh, các doanh nghiệp chủ yếu kinh doanh thiết bị phần cứng; chưa có doanh nghiệp sản xuất phần mềm, sản xuất nội dung quy mô lớn. Chưa có cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin. Kiến thức của nông dân về kinh doanh trực tuyến còn hạn chế, nhiều người cảm thấy khó khăn, e ngại trong việc mở gian hàng điện tử. Nguồn kinh phí dành cho hoạt động của sàn TMĐT tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 chưa được bố trí kinh phí. Do vậy, khó khăn trong việc vận hành và khai thác sàn TMĐT tỉnh.
Trong thời gian tới, để việc thực hiện Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Hà Nam đạt hiệu quả cao hơn nữa, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành chính sách ưu đãi đối với cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước nhằm thu hút nguồn nhân lực, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước; đề nghị UBND tỉnh có cơ chế để duy trì hoạt động của các sàn TMĐT; thu hút, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh./.