Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kết quả thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện...

Tin tức - Sự kiện  
Kết quả thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” trên địa bàn tỉnh Hà Nam
Ngày 25/8/2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”. Đây là chủ trương đúng đắn và kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của xã hội về cung cấp thông tin, tri thức và thưởng thức văn học nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế. Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, trong những năm qua, hoạt động xuất bản đã có bước phát triển, từng bước thích ứng với cơ chế thị trường, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của hoạt động xuất bản, ngay sau khi Chỉ thị số 42-CT/TW được ban hành, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức nghiên cứu, quán triệt học tập; tổ chức triển khai thực hiện gắn với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị, tạo điều kiện để hoạt động xuất bản, in và phát hành phát triển, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị số 42-CT/TW đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thông qua hình thức lồng ghép trong các kỳ sinh hoạt của chi bộ, cơ quan, thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh theo tinh thần của Chỉ thị số 42-CT/TW, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thường xuyên rà soát, tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, in, phát hành. Trước năm 2008, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất bản, in và phát hành thuộc Sở Văn hóa và Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Từ ngày 01/4/2008, nhiệm vụ này được chuyển sang Sở Thông tin và Truyền thông.

Trong những năm qua, tỉnh Hà Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý: Quy chế quản lý hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Nam (kèm theo Quyết định số 55/2023/QĐ-UBND); Kế hoạch số 3995/KH-UBND ngày 30/12/2019 của UBND tỉnh về phát triển thông tin trên địa bàn tỉnh Hà Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Kế hoạch số 1669/KH-UBND ngày 22/6/2018 của UBND tỉnh thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc đến năm 2020, định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng tuyên truyền cho các cơ quan báo chí của tỉnh; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện (trước đây là Đài truyền thanh cấp huyện) và hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền việc triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW, Luật Xuất bản năm 2012, các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các văn bản có liên quan đến hoạt động xuất bản. Tổ chức tuyên truyền lồng ghép các văn bản về lĩnh vực xuất bản, in và phát hành trong các hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật của tỉnh, của ngành thông tin và truyền thông. Tại các cuộc thanh tra, kiểm tra lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm, Đội liên ngành phòng, chống in lậu tỉnh Hà Nam đã tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này thực hiện đúng quy định của Luật Xuất bản, các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các quy định liên quan.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền pháp luật cho cán bộ công chức Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuộc lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh. Các hội nghị được tổ chức góp phần giúp cho cán bộ phụ trách lĩnh vực thông tin và truyền thông cấp huyện hiểu, nắm vững nội dung quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất bản cũng như nhận diện khách thể quản lý, qua đó tham mưu với UBND các cấp thực hiện quản lý nhà nước về xuất bản trên địa bàn, tuyên truyền cho Nhân dân địa phương hiểu và chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về xuất bản, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện tốt việc tiếp nhận, đọc lưu chiểu xuất bản phẩm và cấp các loại giấy phép cho các cơ quan, tổ chức trên địa bàn. Trong lĩnh vực xuất bản, phần lớn các cơ quan được cấp phép xuất bản đã thực hiện đúng các quy định của Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là xuất bản tài liệu không kinh doanh, bản tin, nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh. Trung bình hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông cấp 120 giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh, giấy phép xuất bản bản tin, giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh. Hiện trên địa bàn tỉnh có 14 cơ quan, đơn vị thực hiện xuất bản bản tin. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ yếu thực hiện xuất bản tài liệu không kinh doanh gồm: tài liệu tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị; tài liệu hướng dẫn học tập và thi hành các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tài liệu lịch sử Đảng bộ của các cấp, các ngành, địa phương; kỷ niệm các ngày lễ, kỷ niệm trọng đại của đất nước, của tỉnh, của các địa phương; kỷ yếu hội thảo, hội nghị; tài liệu hướng dẫn chuyên ngành; biểu dương người tốt việc tốt, những cách làm hay, sáng tạo. Nội dung các ấn phẩm đề nghị cấp giấy phép xuất bản đều không vi phạm các quy định của Luật Xuất bản và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Số lượng xuất bản phẩm tăng nhanh, với sự đa dạng, phong phú về thể loại, đề tài, đảm bảo tính chính trị, tư tưởng, sinh động, hấp dẫn, phù hợp với từng loại đối tượng, từng yêu cầu nhiệm vụ cụ thể, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh đến các tầng lớp Nhân dân; góp phần nâng cao dân trí.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp triển khai thực hiện tốt công tác chăm lo, phát triển nhu cầu văn hóa đọc và xây dựng môi trường văn hóa. Công tác phục vụ bạn đọc tiếp tục được quan tâm nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, thu hút bạn đọc đến thư viện. Các hoạt động phục vụ tại chỗ, mượn về nhà, tìm tin theo yêu cầu được duy trì và phát triển. Tại Thư viện tỉnh, trung bình mỗi năm, cấp mới  trên 1.000 thẻ bạn đọc; lượt bạn đọc đến thư viện: trên 73.000 lượt/năm, phục vụ bạn đọc: 204.300 lượt sách, báo/năm. Hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4). Tiêu biểu là các hoạt động: Tặng sách; nói chuyện chuyên đề, giao lưu tác giả, tác phẩm, tọa đàm, trao đổi về vai trò, tầm quan trọng và chia sẻ kinh nghiệm trong phong trào xây dựng văn hóa đọc; giới thiệu sách; phát động phong trào xây dựng “tủ sách lớp học", mở rộng không gian thư viện thông qua xây dựng tủ sách lớp học, xây dựng góc thư viện xanh tại sân trường; phát động phong trào “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay"; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu hóa nền tảng công nghệ, chuyển đổi số để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thư viện cũng như hoạt động đọc sách… Chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo duy trì tổ chức thành công các cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc", các cuộc liên hoan, hội thi thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách từ tỉnh đến cơ sở, thi cán bộ thư viện giỏi; nói chuyện chuyên đề "Vai trò của sách và văn hoá đọc", phát động phong trào: "Đọc và làm theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại", "Đoàn viên tích cực, tự giác đọc sách, báo", "Chia sẻ tri thức", "Tự học, tự rèn, tự đào tạo", "Mỗi tuần một cuốn sách hay, mỗi ngày thêm một kiến thức mới"… Triển khai hiệu quả mô hình xe thư viện lưu động với đầy đủ các đầu sách: Khám phá thế giới, khoa học tự nhiên, lịch sử, các danh nhân, truyện cổ tích, truyện tranh… Hỗ trợ, luân chuyển sách cho thư viện trường học, các điểm Bưu điện văn hóa xã; cấp thẻ bạn đọc miễn phí, tặng sách cho các tủ sách cơ sở; tập huấn nghiệp vụ thư viện cơ sở. Tổ chức thành công nhiều hoạt động tuyên truyền, trưng bày, giới thiệu sách, Trưng bày báo Xuân, câu đối Tết; duy trì Chuyên mục “Sách hay cuối tuần" trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; năm 2023 tổ chức thành công Cuộc thi Viết tìm hiểu về Gia đình Việt Nam với chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng". Các hoạt động này góp phần hoàn thành các mục tiêu của Đề án phát triển văn hóa đọc đến năm 2020, định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy phong trào đọc sách, nâng cao dân trí trong Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Sau khi thực hiện đề án sáp nhập đơn vị hành chính, hiện nay toàn tỉnh có 109/109 xã, phường, thị trấn, 686/686 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phong trào học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng được quan tâm triển khai. Tại các xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố xây dựng được quỹ khuyến học hoạt động hiệu quả. Hiện nay 06/06 huyện, thị xã, thành phố có thư viện cấp huyện, 109/109 xã, phường, thị trấn có thư viện và tủ sách pháp luật. Hoạt động của tủ sách thôn, làng phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Các khu dân cư văn hóa, các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hoá đều có tủ sách, phòng đọc, phòng truyền thống với nhiều đầu sách phục vụ Nhân dân. Tiêu biểu như tủ sách làng Đồng Lạc, xã Đồng Hoá, huyện Kim Bảng, tủ sách khuyến học làng Tế Cát, xã Đức Lý (Lý Nhân)...

Tỉnh Hà Nam hiện có 06 cơ sở in được cấp phép hoạt động in xuất bản phẩm. Ngoài ra còn có các cơ sở in bao bì, nhãn hàng, quảng cáo… và các cơ sở photocopy những giấy tờ, tài liệu theo quy định của pháp luật. Hoạt động in từng bước được nâng cao về chất lượng, bước đầu đáp ứng được yêu cầu đa dạng của các loại ấn phẩm. Trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện chưa có nhà xuất bản; có 31 cơ sở phát hành xuất bản phẩm. Các đơn vị này chủ yếu khai thác các đầu sách: Truyện tranh phục vụ thanh, thiếu nhi, sách giáo khoa, sách tham khảo; sách ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp, sách lý luận chính trị… còn hạn chế. Mạng lưới phát hành đã phủ đến tận xã, thông tin cung cấp cho Nhân dân phong phú và đa dạng, mức hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn dần được rút ngắn. Hiện nay tỉnh đã phát hành báo chí đến 100% các thôn, tổ dân phố thông qua hệ thống các bưu điện và bưu cục trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, các cơ sở in, phát hành trên địa bàn tỉnh đã đã thực hiện tốt quy định của Luật Xuất bản, góp phần vào sự phát triển, nâng cao văn hóa đọc cho Nhân dân trong tỉnh.

Qua 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, tỉnh Hà Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Hoạt động xuất bản của địa phương ngày càng đi vào nề nếp, thực hiện đúng quy định của pháp luật. Vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động xuất bản ngày càng được nâng cao. Các cơ quan, đơn vị tham gia hoạt động xuất bản của địa phương đã thực hiện đúng quy định của pháp luật. UBND tỉnh Hà Nam đã đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xây dựng, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển sự nghiệp xuất bản, tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho hoạt động xuất bản, in, phát hành phát triển trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong thời gian tới, tỉnh Hà Nam tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong việc nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản; xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành để lĩnh vực xuất bản phát triển đúng định hướng, nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện: Tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác quản lý lĩnh vực xuất bản tại địa phương; kiểm soát, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh những cá nhân, đơn vị vi phạm quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xuất bản. Chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động xuất bản, in và phát hành. Khuyến khích và tạo điều kiện cho công ty, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh tham gia hoạt động in, phát hành theo đúng các quy định của pháp luật. Chỉ đạo tổ chức có hiệu quả Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, củng cố, phát triển truyền thống văn hoá đọc trong cộng đồng dân cư. Khuyến khích các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh tham gia xây dựng mạng lưới phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn.

Khuyến khích các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hoạt động xuất bản, nâng cao mức hưởng thụ bình quân bản sách/người, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào cả 3 khâu xuất bản - in - phát hành xuất bản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người dân và theo kịp xu hướng, mặt bằng chung của khu vực và thế giới. Chỉ đạo tổ chức các lớp tập huấn về hoạt động xuất bản để đội ngũ cán bộ, chuyên viên nâng cao nghiệp vụ chuyên môn; tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành chức năng và địa phương trong việc quản lý hoạt động xuất bản trên địa bàn. Chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra về hoạt động xuất bản, in và phát hành. Kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ các ấn phẩm vi phạm pháp luật, sai tôn chỉ, mục đích. Tăng cường năng lực quản lý, ngăn chặn nạn xuất bản, in và phát hành trái phép. Thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra lưu chiểu báo chí, xuất bản trên địa bàn tỉnh, kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động xuất bản./.

T.B​