Tại Hà Nam, hạ tầng số được quan tâm đầu tư, trang bị. Hiện nay, 100% các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố đều có mạng cục bộ (LAN) và kết nối Internet. Tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên là 100%. Tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức cấp xã là 85%. 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng để triển khai các dịch vụ, các nền tảng số phục vụ việc quản lý, điều hành chung của tỉnh, đảm bảo an toàn thông tin. 100% các xã, phường, thị trấn đều có đường truyền cáp quang, Internet cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố; 100% khu vực dân cư được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G. Viettel Hà Nam đang triển khai phủ sóng mạng 5G tại khu vực trung tâm thành phố Phủ Lý, huyện Lý Nhân; dự kiến năm 2025 sẽ triển khai trên địa bàn toàn tỉnh; mạng 5G giúp người dùng truy cập Internet và truyền tải dữ liệu nhanh hơn mạng 4G (ước tính trung bình gấp 10 lần), là hạ tầng số quan trọng giúp tỉnh đẩy nhanh chuyển đổi số. Hệ thống hội nghị truyền hình gồm 116 điểm cầu, có kết nối với Chính phủ, hoạt động thường xuyên từ Trung ương đến tỉnh, từ huyện đến xã mang lại hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo, điều hành và tiết kiệm thời gian, chi phí.
Về phát triển dữ liệu, nền tảng số: Duy trì Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tỉnh Hà Nam và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) để khai thác các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia. Duy trì hoạt động hiệu quả các hệ thống thông tin dùng chung: Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành; Hệ thống thư điện tử; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Hà Nam; Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Nam. Duy trì hoạt động một số phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành: Quản lý cấp phép lái xe; Quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế trên toàn tỉnh; Quản lý hộ tịch…. Tỉnh Hà Nam đã kết nối, tích hợp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật; Hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch; Hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước; Liên thông Tài nguyên Môi trường - Thuế; Cổng dịch vụ công của Bộ Xây dựng; Hệ thống phục vụ dịch vụ công của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; Cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe; Hệ thống Đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về trợ giúp xã hội; Hệ thống định danh và xác thực điện tử; Hệ thống thông tin nguồn; Liên thông giữa các hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, các hệ thống, cơ sở dữ liệu kết nối, tích hợp với Hệ thống thông tin giải quyết Thủ tục hành chính tỉnh được khai thác và sử dụng thường xuyên, hiệu quả.
Về phát triển nguồn nhân lực số: Tại mỗi sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đều có 01 cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin (quản trị mạng). Toàn tỉnh đã thành lập 100% Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn, tổ dân phố (109 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, 686 Tổ công nghệ số cộng đồng thôn, tổ dân phố). Năm 2024, tổ chức tập huấn, đào tạo cho gần 5.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số. Trong đó, UBND tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) tổ chức 03 lớp tập huấn về chuyển đổi số dành cho cán bộ chủ chốt của tỉnh. Hà Nam đứng thứ hai toàn quốc về kết quả bồi dưỡng, tập huấn chuyển đổi số trên Nền tảng học trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức (đạt 93%).
Về bảo đảm an toàn thông tin: Đã kiện toàn, duy trì hoạt động của Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Duy trì hoạt động hiệu quả Trung tâm Giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng (SOC) tỉnh Hà Nam; kết nối giám sát 14 hệ thống thông tin cấp độ 3; kết nối gần 1.000 máy tính lên Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC). Tổ chức đánh giá an toàn thông tin cho 14 hệ thống thông tin cấp độ 3 đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Phê duyệt cấp độ an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin. Tổ chức diễn tập thực chiến về đảm bảo an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh; tổ chức tuyên truyền, quán triệt các văn bản quy định về công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng./.
LH