Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 25/4/2022 của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định h...

Tin tức - Sự kiện  
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 25/4/2022 của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Ngày 25/4/2022, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TU về Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây viết là Nghị quyết số 24). Ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 24, UBND tỉnh đã ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là các văn bản quan trọng định hướng để cả hệ thống chính trị chung sức thực hiện chuyển đổi số với mục tiêu chung: “Xây dựng đồng bộ chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số nhằm đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và hoạt động của các cơ quan, đơn vị; góp phần cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và các ngành kinh tế, hình thành và phát triển các ngành, lĩnh vực mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững”.

z5885928404874_8fddd228912ce6dee52cdfb760ccf792.jpg

Đồng chí Vũ Tiến Tiệp - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin chuyên đề Kết quả thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TU  tại Hội nghị báo cáo viên tháng 9/2024 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức

Nghị quyết số 24 xác định 14 mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và một số nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm quý III năm 2024, có 09/14 mục tiêu cơ bản đạt và vượt yêu cầu đề ra; 03/14 mục tiêu không có số liệu, tiêu chí xác định cụ thể (50% hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước; tỷ trọng kinh tế số từng ngành, lĩnh vực; thành phố Phủ Lý đạt các tiêu chí cơ bản về đô thị thông minh); 02/14 mục tiêu chưa đạt, đang trong lộ trình thực hiện, phấn đấu hoàn thành (mục tiêu về phấn đấu tỷ trọng kinh tế số; kinh phí bố trí cho chuyển đổi số).

Việc thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 24 cũng đạt được một số kết quả, cụ thể:

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được quan tâm, đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức đa dạng. Đã xây dựng Trang thông tin về chuyển đổi số tỉnh Hà Nam; Chuyên mục “Chuyển đổi số" trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Nam; Chuyên mục “Chuyển đổi số" trên Báo điện tử và báo in...

Về xây dựng cơ chế, chính sách, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản mang tính quy phạm và văn bản tổ chức thực hiện, tạo hành lang pháp lý đẩy đủ, kịp thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh đã đề ra. Trong đó, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 01 nghị quyết; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 10 quyết định quy phạm pháp luật, 01 đề án, 01 chỉ thị, 01 chương trình; 50 kế hoạch; 13 quyết định cá biệt về chuyển đổi số.

Về nhân lực số, năm 2024, tỉnh Hà Nam đã tổ chức tập huấn, đào tạo cho gần 3.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số; đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn Viettel tổ chức 03 lớp tập huấn về chuyển đổi số cho các thành phần gồm: Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng, phó các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh uỷ; Trưởng, phó các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện thị xã, thành phố; Trưởng các phòng, đơn vị thuộc các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố. Tại mỗi sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đều có 01 cán bộ chuyên trách về chuyển đổi số (quản trị mạng). Hằng năm, các cán bộ chuyên trách về chuyển đổi số đều được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin. Toàn tỉnh đã thành lập 100% Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn, tổ dân phố (109 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, 686 Tổ công nghệ số cộng đồng thôn, tổ dân phố). Hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp.

Đối với hạ tầng số, hiện nay 100% các xã, phường, thị trấn có hạ tầng mạng cáp quang băng rộng đến tận thôn, tổ dân phố; 100% khu vực dân cư được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G. Viettel Hà Nam đang triển khai phủ sóng mạng 5G tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh; dự kiến năm 2025, Viettel Hà Nam và VNPT Hà Nam sẽ triển khai trên toàn tỉnh. Mạng 5G giúp người dùng truy cập mạng Internet và truyền tải dữ liệu nhanh hơn mạng 4G (khoảng 10 lần). Đây là hạ tầng số quan trọng giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt trên 90% tổng số thuê bao di động. Hệ thống hội nghị truyền hình gồm 116 điểm cầu, kết nối với Chính phủ, hoạt động thường xuyên từ Trung ương đến tỉnh, từ huyện đến xã mang lại hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo, điều hành và tiết kiệm thời gian, chi phí. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Hà Nam (LGSP) đã được triển khai và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) để khai thác các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của quốc gia. Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh đã tích hợp, kết nối 10 hệ thống thông tin của các sở, ngành. Một số chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội được các sở, ngành cung cấp số liệu và cập nhật vào hệ thống. Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh đã được kết nối thử nghiệm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hoàn thành kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin và đang thực hiện kết nối, kiểm thử trên môi trường chính thức.

Xác định phát triển dữ liệu số là chìa khóa thúc đẩy chuyển đổi số, tỉnh Hà Nam đã duy trì hoạt động hiệu quả các hệ thống thông tin. Toàn tỉnh có 43 hệ thống thông tin đã và đang triển khai, trong đó có 07 hệ thống thông tin dùng chung toàn tỉnh; 25 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được triển khai; 11 hệ thống thông tin đang triển khai. Ngoài ra, có khoảng 30 hệ thống thông tin do các bộ, ngành triển khai cho các sở, ngành khai thác, sử dụng.

Về phát triển chính quyền số, hiện nay phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai đảm bảo liên thông được 4 cấp chính quyền từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh, Trung ương. 100% các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đã ứng dụng phần mềm vào công tác chỉ đạo, điều hành và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành Trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia. Hệ thống thư điện tử của tỉnh đảm bảo cung cấp hộp thư điện tử cho cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam, đảm bảo cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên toàn trình. Hiện tại Hà Nam đứng đầu cả nước về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình: 66,61% (trung bình cả nước đạt 17%). Kết quả này đã tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức, tạo sự công khai, minh bạch, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

Về phát triển kinh tế số và xã hội số, tỉnh Hà Nam có trên 140 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông. Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nguồn ngân sách Trung ương. Trong đó có hỗ trợ chuyển đổi số, bao gồm: hỗ trợ kinh phí tư vấn và hỗ trợ kinh phí thuê, mua giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Hà Nam triển khai 02 sàn thương mại điện tử chính (buudien.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; sàn thương mại điện tử Hà Nam của Sở Công Thương)… thu hút gần 70 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp tham gia, trên 3.300 sản phẩm được đưa lên sàn. Hà Nam triển khai rộng rãi việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại; chấp nhận các hình thức thanh toán trực tuyến trong tất cả các loại hình dịch vụ công thiết yếu, như điện, nước, học phí, viện phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính...

Về bảo đảm an toàn thông tin mạng, Trung tâm Giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng (SOC) tỉnh Hà Nam đã được triển khai chính thức từ đầu năm 2024 theo mô hình 4 lớp, nhằm giám sát và kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho 14 hệ thống thông tin của tỉnh và gần 1.000 máy tính tại các cơ quan, đơn vị. Hệ thống đã kết nối với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC).

Bên cạnh đó, Hà Nam còn đạt được một số kết quả quan trọng khác trong công tác chuyển đổi số đó là tỉnh Hà Nam dẫn đầu cả nước về thực hiện Đề án 06: Hoàn thành 100% công dân đủ điều kiện cấp căn cước công dân gắn chip;  trên 94% dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử; 100% cơ sở khám, chữa bệnh tiếp nhận công dân sử dụng căn cước công dân để đi khám, chữa bệnh; 100% thông tin học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh được cấp mã số trên cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo, được xác thực định danh với dữ liệu dân cư. Một số mô hình của Đề án 06 đã được triển khai, thực hiện hiệu quả, như: mô hình thực hiện tin báo về an ninh trật tự và tin báo tố giác tội phạm trên VNeID; mô hình Ứng dụng căn cước công dân gắn chip phục vụ kiểm soát an ninh, chấm công tại Công ty cổ phần xi măng Xuân Thành... Từ ngày 01/7/2024, Luật Căn cước chính thức có hiệu lực, lực lượng công an đã và đang tích cực cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 14 tuổi.

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 24, trong những năm tới Hà Nam quyết tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp và trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong công tác chuyển đổi số. Đẩy mạnh xây dựng cơ chế, chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; trong đó quan tâm cơ chế, chính sách về chế độ đãi ngộ cho nhân lực về chuyển đổi số. Triển khai Đề án chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng: Xác định các mũi đột phá, bám sát thực tiễn chuyển đổi số, bảo đảm đồng bộ, gắn liền với triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng số; đẩy mạnh số hóa các ngành kinh tế, tạo lập cơ sở dữ liệu; tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu; cung cấp hiệu quả các dịch vụ tích hợp cho người dân và doanh nghiệp, coi người dân và doanh nghiệp là trung tâm; tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân./.

​LH