Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị sinh hoạt chuyên đề cải cách hành chính: Thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số trên địa bàn tỉnh Hà Nam

Thông tin chỉ đạo, điều hành  
Hội nghị sinh hoạt chuyên đề cải cách hành chính: Thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số trên địa bàn tỉnh Hà Nam
Thực hiện Kế hoạch số 03-KH/CBSTTTT ngày 01/02/2023 của Chi bộ Sở Thông tin và Truyền thông về sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề năm 2023, ngày 04/8/2023, Chi bộ Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức sinh hoạt chuyên đề cải cách hành chính với nội dung: Thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số trên địa bàn tỉnh Hà Nam; liên hệ với bản thân và chi bộ.

Dự buổi sinh hoạt có đồng chí Nguyễn Duy Tuấn - Bí thư Chi bộ - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cùng toàn thể đảng viên Chi bộ Sở Thông tin và Truyền thông.

 z4809895234171_a277d81e26425e1f9b05f5411044decf.jpg

Các đại biểu dự sinh hoạt Chi bộ Sở Thông tin và Truyền thông

Tại buổi sinh hoạt, được sự phân công của Chi bộ, đảng viên Đinh Văn Đại trình bày đề dẫn nhấn mạnh: Xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số là nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện đại hóa nền hành chính, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Sau 05 năm triển khai, tỉnh Hà Nam đã có sự thay đổi và đạt được những kết quả quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Đồng chí Đinh Văn Đại đã nhấn mạnh kết quả đạt được ở các nội dung: Thể chế số; hạ tầng số; dữ liệu số; nền tảng số; nhân lực số; an toàn thông tin mạng; chính quyền số. Đặc biệt ở phần liên hệ với chi bộ, người đề dẫn đã làm rõ những kết quả mà Sở Thông tin và Truyền thông đã đạt được trong thời gian qua như: Chi bộ Sở Thông tin và Truyền thông đã lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền chủ động, tích cực tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch mang tính định hướng; các văn bản chỉ đạo với các nhiệm vụ cụ thể về Chính quyền điện tử. Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu một chặng đường mới trong xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số tại địa phương, cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thành các kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ để thực hiện.

Trên cơ sở nội dung đề dẫn và các ý kiến phát biểu tại buổi sinh hoạt, đồng chí Nguyễn Duy Tuấn khẳng định nội dung sinh hoạt chuyên đề tháng 8/2023 đã bám sát vào tình hình thực tiễn của tỉnh cũng như của Sở Thông tin và Truyền thông. Trong quá trình triển khai xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số trên địa bàn tỉnh Hà Nam, sở đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương nắm bắt kịp thời khó khăn từ cơ sở để đưa ra các giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện thực tiễn, đảm bảo tính khả thi. Mọi ứng dụng, dịch vụ của Chính quyền điện tử phải đơn giản, dễ hiểu, dễ làm cho người sử dụng trên nền tảng công nghệ hiện đại, tiên tiến, đảm bảo an toàn an ninh thông tin. Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành Thông tin và Truyền thông tăng cường hỗ trợ các cơ quan, đơn vị và người dân bằng hình thức cầm tay chỉ việc, mắc đến đâu gỡ đến đấy để giải quyết triệt để những vướng mắc liên quan đến quy trình nghiệp vụ.

Để tiếp tục thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Bí thư Chi bộ Nguyễn Duy Tuấn nhấn mạnh một số giải pháp cần triển khai thực hiện trong thời gian tới: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 25/4/2022 của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1516/QĐ-UBND ngày 09/8/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số, từng bước xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia xây dựng chính quyền số. Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật; xây dựng Cổng dữ liệu mở, phát triển nền tảng số dùng chung; cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số của tỉnh; lựa chọn giải pháp công nghệ tiên tiến như: điện toán đám mây, Interrnet vạn vật (IoT), dữ liệu khối, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo. Xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan hành chính nhà nước. Tăng cường hợp tác, xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ số hỗ trợ tỉnh triển khai các nền tảng công nghệ số đáp ứng các yêu cầu xây dựng chính quyền số, tạo điều kiện để tỉnh Hà Nam là một trong 30 tỉnh có chỉ số cao về chuyển đổi số vào năm 2025./.

TH

Tin liên quan