Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nam triển khai các giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình

Tin tức - Sự kiện  
Hà Nam triển khai các giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình
Thời gian qua, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Hà Nam đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chuyển đổi số trên các mặt và đạt được những kết quả tích cực.

Kết quả rõ nét nhất là đã duy trì hoạt động hiệu quả Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam, đảm bảo cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên toàn trình, phục vụ hiệu quả nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Hiện tại xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, Hà Nam đứng đầu cả nước về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình: Đạt 66,6% (trung bình cả nước đạt 17%); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 84,1% (trung bình cả nước đạt 53,8%); tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 75,6% (trung bình cả nước đạt 48,4%); tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 93,4% (trung bình cả nước đạt 64,5%).

Hà Nam là một trong hai tỉnh đầu tiên trên cả nước (cùng với Hà Nội) được Chính phủ lựa chọn triển khai thí điểm 02 nhóm dịch vụ công liên thông từ ngày 22/11/2022. Sau thời gian thí điểm, đến nay Hà Nam là tỉnh thứ 9 hoàn thành kết nối liên thông Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam với các phần mềm liên quan để thực hiện thông suốt, hiệu quả 02 nhóm dịch vụ công liên thông, đáp ứng theo yêu cầu tại Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ quy định việc thực hiện liên thông điện tử 02 nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, Đăng ký thường trú, Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, Xóa đăng ký thường trú, Giải quyết mai táng phí, tử tuất (hiện nay có 36/63 tỉnh hoàn thành kết nối).

Có được kết quả trên là do sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp chính quyền; sự ủng hộ, tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp. Một trong các yếu tố góp phần vào kết quả trên phải kể đến là hiệu quả triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ Đề án 06 mang lại. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chỉnh tỉnh Hà Nam đã kết nối chính thức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ tháng 11/2022 để khai thác thông tin, dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn, thuận lợi hơn.

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là nội dung quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Nhận thức được điều này, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Một là, ban hành một số cơ chế, chính sách về dịch vụ công trực tuyến

Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND ngày 06/7/2023 của HĐND tỉnh quy định giảm phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến: Gồm 04 khoản phí, 05 khoản lệ phí được giảm, trong đó có 02 khoản phí giảm tới 60%.

Quyết định số 1414/QĐ-UBND ngày 04/12/2023 của UBND tỉnh thực hiện thí điểm chỉ tiếp nhận hồ sơ bằng hình thức trực tuyến; giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến đối với 54 thủ tục hành chính.

Quyết định số 2138/QĐ-UBND ngày 16/11/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án thí điểm thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp bưu chính đảm nhận việc hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành.

Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 31/7/2018 của UBND tỉnh về tăng cường hiệu quả khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch của UBND tỉnh giao chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến hằng năm cho các cơ quan.

Hai là, tổ chức thảo luận chuyên đề; tập huấn, tuyên truyền; cung cấp miễn phí chữ ký số

Tổ chức Hội nghị chuyên đề của UBND tỉnh để thảo luận về dịch vụ công trực tuyến. Trong đó nêu ra các chỉ tiêu còn thấp để tập trung thảo luận, phân tích, tìm nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục.

Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức; về quy trình số hóa hồ sơ cho cán bộ một cửa; về sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho Tổ công nghệ số cộng đồng. Trong năm 2024, tổ chức tập huấn, đào tạo cho 2.500 lượt cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số. Đặc biệt, UBND tỉnh phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội tổ chức 02 lớp tập huấn tại Học viện Viettel cho hơn 100 lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.

Tổ Công nghệ số cộng đồng, Tổ Công tác Đề án 06 tại các thôn, xã với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà", luôn nêu cao tính xung kích trong việc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến. Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ tham gia các Tổ tuyên truyền lưu động đến các cơ quan, trường học, phố đi bộ hay khu vực đông dân cư để tuyên truyền hướng dẫn người dân.

Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông cung cấp chữ ký số miễn phí cho người dân sử dụng khi nộp hồ sơ trực tuyến.

Ba là, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật ổn định, thông suốt

Triển khai 03 kênh thông tin để thông báo trạng thái hồ sơ cho người dân: Thông báo trạng thái trên Cổng dịch vụ công; gửi tin nhắn qua điện thoại; gửi thông tin qua thư điện tử. Người dân rất hài lòng về cách làm này khi giúp họ biết rõ trạng thái hồ sơ được giải quyết đến đâu.

Cung cấp số điện thoại của cán bộ kỹ thuật trên Cổng dịch vụ công để sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu kỹ thuật 24/7.

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang bị máy tính, máy quét đảm bảo chất lượng tại bộ phận Một cửa các cấp phục vụ cho việc giải quyết thủ tục hành chính.

Bốn là, thống kê kết quả, đôn đốc thực hiện

Hằng tháng rà soát, thống kê kết quả thực hiện đối với 07 chỉ tiêu chủ yếu về  dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan, đơn vị và thông báo đến các cơ quan, đơn vị; trong đó chỉ rõ những chỉ tiêu còn thấp cần khắc phục.

Giao Sở Thông tin và Truyền thông phân công cán bộ, công chức, viên chức phụ trách theo dõi từng chỉ tiêu, từng cơ quan, đơn vị để đôn đốc triển khai thực hiện./.

LH​