Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội

Thông tin tuyên truyền, phổ biến  
Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội
Thời gian qua, tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua hình thức mua bán trực tuyến diễn ra ở nhiều nơi. Nhiều người vì tâm lý ham rẻ, thiếu cảnh giác, tin vào những lời mời chào hấp dẫn đã trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo.

Hiện nay đang tồn tại 03 nhóm lừa đảo chính, gồm: Giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp. Trong đó có một số hoạt động nở rộ thời gian qua như sử dụng cuộc gọi video lừa đảo; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, lừa đảo “khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền; rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.

Để phòng tránh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, người dân cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách, thường xuyên theo dõi các phương thức, thủ đoạn của tội phạm do cơ quan chức năng thông báo trên các phương tiện, thông tin đại chúng. Đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản do các đối tượng chỉ định. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết. Khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. Thường xuyên thay đổi để đảm bảo tính an toàn của mật khẩu; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết. Phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư rác và lừa đảo, tin giả về hệ thống tiếp nhận tin giả của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông tại các địa chỉ:

http://tingia.hanam.gov.vn

https://thongbaorac.ais.gov.vn

https://tingia.gov.vn​