Khi Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cho phép Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel bước chân vào thị trường viễn thông, thì đó là một bước đi căn cơ tạo ra sự cạnh tranh. Phải khẳng định rằng viễn thông là ngành độc quyền khá sớm tại Việt Nam. Nhưng cũng chính viễn thông là ngành giành được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong công cuộc phá bỏ độc quyền, tiến thẳng tới cạnh tranh toàn diện.
Những thành tựu đó tiêu biểu là: Thứ nhất, đưa một dịch vụ vốn dành cho người thu nhập cao, có địa vị xã hội thành dịch vụ bình dân cho tất cả mọi người; thứ hai, từ độc quyền, viễn thông trở thành ngành cạnh tranh toàn diện; thứ ba, là trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng, trong nước suy giảm và lạm phát cao thì ngành viễn thông vẫn không ngừng phát triển; thứ tư, viễn thông từng bước tiến lên làm chủ trong nước, vượt ra quốc tế; thứ năm, Việt Nam đang trở thành điểm sáng của viễn thông quốc tế, được thế giới chọn làm bài học kinh nghiệm cho các nước chậm phát triển. Những doanh nghiệp viễn thông thành công nhất hiện nay có thể kể đến Viettel, Mobifone, Vinafone.
Ngoài ra, nhờ cạnh tranh mà viễn thông Việt Nam đào tạo được đội ngũ cán bộ phát triển toàn diện trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Những nỗ lực để xóa độc quyền, tạo sự cạnh tranh trong ngành viễn thông là rất đáng tự hào. Có người ví von, ngành này chủ yếu lấy bộ não cộng với bầu trời để tạo ra của cải. Viễn thông càng giàu thì nhờ đó, thương hiệu trí tuệ quốc gia càng toả sáng. Trong khi đó, có một số ngành khác càng giàu thì đất nước lại nghèo đi vì họ đào bán dần tài nguyên. Vì thế, cần đầu tư mạnh mẽ để tạo đà cho viễn thông trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Tuy nhiên, những năm gần đây, tốc độ phát triển của viễn thông đang chững lại, đòi hỏi cần có cú hích mạnh hơn để đạt được tốc độ tăng trưởng như đã có đó là: Chuyển sang khai thác dịch vụ giá trị gia tăng và có chính sách ưu đãi dành cho đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin, viễn thông. Hiện nay các nhà mạng vẫn chủ yếu khai thác đàm thoại là chính trong khi nhu cầu đàm thoại đã bão hòa. Nếu khai thác tốt dịch vụ giá trị gia tăng, nhà mạng có thể giảm phí đàm thoại. Chính sách ưu đãi dành cho đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin, viễn thông vẫn chưa đạt yêu cầu: Mỗi kĩ sư giỏi có thể làm ra 5-7 tỷ/năm (Viettel có hơn 2,5 vạn người mà năm 2013 đạt doanh thu trên 160.000 tỉ đồng).
Điều quan trọng không thể không tính toán trong việc tạo ra môi trường cạnh tranh là bài toán số lượng doanh nghiệp. Cùng một lĩnh vực, nếu ít doanh nghiệp hoạt động dễ dẫn đến độc quyền. Nhưng nếu nhiều thì sẽ dẫn đến lãng phí. Các cơ quan quản lí phải có phương án lựa chọn để hạn chế cả hai xu thế trên. Ở các nước viễn thông phát triển, họ quy tụ trong khoảng 3 đến 4 doanh nghiệp lớn. Giới hạn này vừa đủ để chống độc quyền và chống lãng phí. Hiện nay ở nước ta, việc phát triển và cạnh tranh thành công của ba doanh nghiệp trên là hợp lí. Đó vừa là kết quả lựa chọn của cơ quan quản lí và người tiêu dùng, vừa là phản ánh quá trình cạnh tranh khách quan toàn diện của các doanh nghiệp.
Từ sự thành công của ngành viễn thông, đặc biệt sự thành công của Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel, có thể rút ra kinh nghiệm cho các ngành khác còn đang độc quyền. Đó là: Thứ nhất, phải chọn đúng người đứng đầu có đủ đức tài, trí tuệ, trách nhiệm, bản lĩnh, thực sự cầu thị, tự đổi mới để cạnh tranh toàn diện. Thứ hai, phải chọn đúng mô hình phát triển trong tình hình hiện nay. Thứ ba, phải lựa chọn đúng công nghệ hiện đại, phù hợp với Việt Nam và xu thế toàn cầu hóa. Thứ tư, dày công đào tạo cán bộ quản lí, công nhân lành nghề theo hướng chuyên nghiệp hóa, mạnh dạn hợp tác quốc tế và đầu tư ra thị trường quốc tế. Thứ năm, tập thể doanh nghiệp phải đoàn kết xây dựng và bảo vệ thương hiệu, giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Ngoài ra, cần mạnh dạn tìm kiếm thị trường, đầu tư ra nước ngoài và cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp mạnh trên thế giới./.