Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025

Tin tức - Sự kiện  
Thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025
Thực hiện Kế hoạch số 31/KH-BCĐ ngày 06/5/2021 của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Hà Nam về thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) giai đoạn 2021 - 2025, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nam ban hành Kế hoạch số 446/KH-STTTT ngày 17/5/2021 và tổ chức thực hiện trong toàn sở.

Kế hoạch được xây dựng nhằm mục đích nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp uỷ Đảng, chính quyền cùng toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động cơ quan về tầm quan trọng của công tác phòng, chống tội phạm, công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phối hợp chặt chẽ với công an địa phương trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm; giải quyết kịp thời khi có vụ việc về mất an ninh, trật tự xảy ra.

Kế hoạch được triển khai bao gồm các nội dung: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phòng, chống tội phạm, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội; chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm, về việc thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đối với cán bộ công chức, viên chức và người lao động cơ quan nắm vững những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm để cảnh giác, chủ động phòng, chống và hỗ trợ các lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý tội phạm và tệ nạn xã hội, đồng thời nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, đặc biệt các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các tiện ích của mạng xã hội (Zalo, Facebook...) vào công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo yêu cầu bí mật nhà nước trong hoạt động nghiệp vụ. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thông tin truyền thông. Chỉ đạo các đơn vị đảm bảo an toàn, an ninh thông tin phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền; quản lý mạng viễn thông, internet… rà soát các thông tin xấu độc trên không gian mạng để kịp thời xử lý, không để tội phạm lợi dụng hoạt động. Tổ chức kiểm tra, tổ chức tự quản về an ninh, trật tự tại cơ sở. Bố trí lực lượng bảo vệ cơ quan thực hiện canh gác, kiểm soát chặt chẽ, không để người không có nhiệm vụ vào cơ quan. Thường xuyên giữ mối liên hệ với Công an phường, thông báo và phối hợp giải quyết kịp thời khi có vụ việc về an ninh trật tự xảy ra ở cơ quan. Tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm; kết quả đấu tranh chống tội phạm của lực lượng Công an, những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống tội phạm./.