Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 25/4/2022 của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định h...

Tin tức - Sự kiện  
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 25/4/2022 của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 25/4/2022 về Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo, xây dựng, ban hành Quyết định số 1516/QĐ-UBND ngày 09/8/2022 phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trên cơ sở Quyết định số 1516/QĐ-UBND, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Hiện nay, 100% các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành Kế hoạch để thực hiện Đề án nêu trên.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Chuyên mục “Chuyển đổi số" trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Nam; Chuyên mục “Chuyển đổi số" trên Báo điện tử và báo in; xây dựng các phóng sự trên chương trình truyền hình của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam để phổ biến, tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết; các nội dung về chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh...

Nghị quyết số 24-NQ/TU của Tỉnh ủy đề ra đến năm 2025 có 14 mục tiêu cụ thể. Đến thời điểm quý I năm 2023 có 05 mục tiêu đã đạt và vượt; 07 mục tiêu đến năm 2025 dự kiến sẽ đạt và vượt; 01 mục tiêu đến năm 2025 dự kiến không đạt (mục tiêu về kinh phí bố trí cho chuyển đổi số); 01 mục tiêu chưa có hướng dẫn cụ thể để xác định số liệu.

Kết quả thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu trong Nghị quyết:

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp và trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị -xã hội trong quá trình chuyển đổi số

- Các cấp ủy đảng, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về chuyển đổi số.

- Nhận thức rõ về “chuyển đổi số" là bước phát triển tất yếu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa của chuyển đổi số tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.

- Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2483/KH-UBND ngày 16/9/2022 về tổ chức hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) trên địa bàn tỉnh. 100% các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã thực hiện tuyên truyền Bộ Công cụ nhận diện Ngày chuyển đổi số quốc gia và đăng tải tin bài về các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia trên Cổng, Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.

- Các Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn được thành lập bao gồm có các thành phần là đoàn thanh niên, hội phụ nữ, đã góp phần tích cực trong việc vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia chương trình chuyển đổi số.

- Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực tạo thuận lợi trong quá trình triển khai chuyển đổi số.

2. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số

a) Xây dựng cơ chế, chính sách

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản tạo môi trường pháp lý để triển khai có hiệu quả chuyển đổi số của tỉnh: Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Hà Nam phiên bản 2.0; Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Kế hoạch triển khai Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" tỉnh Hà Nam, trong đó có nội dung về phát triển hạ tầng số. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

b) Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực

- Tại mỗi sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đều có 01 cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin (quản trị mạng), trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên. Nhân lực quản trị và vận hành hệ thống Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đều có trình độ đại học trở lên về công nghệ thông tin, một số cán bộ, công chức, viên chức đã có các chứng chỉ quốc tế. Hàng năm, các cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin đều được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin.

- Bên cạnh đó, nhiều cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã có chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản theo Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

- Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1273/KH-UBND ngày 17/5/2022 về bồi dưỡng chuyển đổi số cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh năm 2022; kết quả: đã chỉ đạo tổ chức bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 679 đối tượng lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo nguồn của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh bằng hình thức trực tuyến.

- Toàn tỉnh đã thành lập 100% Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn (109 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 555 thành viên, 686 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 3.430 thành viên). Đã tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp. Tổng số lượt học viên tham gia các lớp tập huấn trên là 5.800 người.

3. Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và các nền tảng số, dữ liệu số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng

a) Hạ tầng kỹ thuật

- Máy tính và mạng cục bộ: Hiện nay, 100% các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố đều có mạng cục bộ và kết nối Internet. Tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên là 100%. Tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức cấp xã là 85%.

- Trung tâm Tích hợp dữ liệu: Đã trang bị một số máy chủ và các thiết bị cần thiết tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh.

- Mạng truyền số liệu chuyên dùng: Triển khai kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II cho 138 cơ quan, đơn vị (100% các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã) để triển khai các dịch vụ, các nền tảng số phục vụ việc quản lý, điều hành chung của tỉnh để đảm bảo an toàn thông tin. 

- 100% các xã, phường, thị trấn đều có đường truyền cáp quang, Internet cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố; 100% dân số được phủ sóng thông tin di động 2G; 95% dân số được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G.

b) Nền tảng số

- Đã triển khai Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Hà Nam (LGSP) và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) để khai thác các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của quốc gia. Hiện tại đã kết nối LGSP với NDXP của một số hệ thống chuyên ngành của các bộ, ngành trung ương như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến (Bộ Tư pháp), Hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách (Bộ Tài chính), Hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hệ thống phục vụ dịch vụ công của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và đang triển khai kết nối khai thác các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đã sẵn sàng trên NDXP.

- 100% các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, giúp tối ưu quy trình khám chữa bệnh, nâng cao công tác quản trị bệnh viện, giảm thiểu sai sót, tăng độ chính xác trong công tác thanh, quyết toán bảo hiểm y tế.

- Đã cấp gần 2.000 chứng thư số cho cơ quan, đơn vị. Các cơ quan đã sử dụng chữ ký số của cơ quan; chữ ký số của cá nhân để ký số trên văn bản điện tử.

- Đã triển khai việc kết nối, tích hợp chữ ký số công cộng lên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử tỉnh Hà Nam để phục vụ người dân và doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong việc nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện.

c) Dữ liệu số

- Các hệ thống thông tin dùng chung gồm có: Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành; Hệ thống thư điện tử; Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử; Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Nam.

- Hiện tại, một số phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được xây dựng và triển khai tại một số cơ quan như: Kế toán của tất cả các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố; Quản lý các đối tượng người có công của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Quản lý cấp phép lái xe, Quản lý phương tiện thủy nội địa của Sở Giao thông Vận tải; Quản lý hồ sơ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Sở Giáo dục và Đào tạo; Quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế trên toàn tỉnh; Quản lý hộ tịch của Sở Tư pháp....

- Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hà Nam đã được kết nối, khai thác chính thức Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngành Y tế triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân trong khám, chữa bệnh thay thế thẻ Bảo hiểm y tế; rà soát, thống kê xây dựng dữ liệu thông tin về lực lượng y sĩ, bác sĩ, trạm y tế, bệnh viện, nhà thuốc… và kết nối vào cơ sở dữ liệu ngành y tế, chuẩn bị cho việc kết nối, xác thực với phần mềm dịch vụ công liên thông và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; các nhiệm vụ về làm sạch dữ liệu, cấp căn cước công dân và cấp tài khoản định danh điện tử đã cơ bản hoàn thành. Năm 2022, Hà Nam xếp thứ 13 toàn quốc về cấp căn cước công dân, đứng thứ nhất về thực hiện chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

- Đang triển khai Kho dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính để tích hợp, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hà Nam.

đ) An toàn thông tin mạng 

- Đã thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng có nhiệm vụ tổ chức điều phối, hỗ trợ các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và tổ chức ứng cứu các sự cố máy tính, mạng máy tính trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, đã tổ chức tập huấn và diễn tập phòng chống tấn công phá hủy, lộ lọt dữ liệu cho các thành viên Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng.

- Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 905/KH-UBND ngày 04/4/2022 về việc xác định cấp độ an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Hà Nam. Đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin của Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hà Nam, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Nam, Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh Hà Nam, Trung tâm Giám sát điều hành thông minh tỉnh Hà Nam.

- Đang triển khai Trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng (SOC) tỉnh Hà Nam nhằm đáp ứng triển khai an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp của Bộ Thông tin và Truyền thông (đã triển khai thử nghiệm từ năm 2020, đang thực hiện các thủ tục để triển khai chính thức).

4. Chính quyền số

a) Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ

- Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai đảm bảo liên thông được 4 cấp chính quyền từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh, trung ương. Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đã ứng dụng phần mềm vào công tác chỉ đạo, điều hành và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia.

- Hệ thống thư điện tử của tỉnh đảm bảo cung cấp hộp thư điện tử cho cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tỷ lệ cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc là 95%.

- Đã triển khai hệ thống phòng họp không giấy tờ tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; triển khai hệ thống báo cáo kinh tế xã hội tỉnh Hà Nam kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

- Đã triển khai Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ Ủy ban nhân dân tỉnh với Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã với Ủy ban nhân dân cấp huyện (tổng số 116 điểm cầu), có kết nối với Chính phủ. Hệ thống hội nghị truyền hình hoạt động thường xuyên từ Trung ương đến tỉnh, từ huyện đến xã mang lại hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo, điều hành và tiết kiệm thời gian, chi phí.

b) Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp

- Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Nam:

Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Nam đã được cập nhật khá đầy đủ thông tin. Cập nhật nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh; cung cấp thông tin hữu ích phục vụ người dân và doanh nghiệp; trả lời kịp thời câu hỏi thắc mắc của người dân và doanh nghiệp; trung bình hằng tháng cập nhật 85 tin, bài. Nhiều chuyên mục trên cổng đã được thiết kế, tạo lập và cập nhật thông tin.

Cổng thành phần của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã tạo đủ các mục thông tin chủ yếu theo quy định. Hầu hết các cơ quan đã cập nhật đầy đủ thông tin vào các mục. Trung bình hằng tháng có 35 tin, bài được cập nhật trên mỗi cổng thành phần.

- Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hà Nam:

Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh cung cấp tất cả các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình. Tích hợp trên 70% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 

Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hà Nam cung cấp tổng số 1.741 bộ thủ tục hành chính. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến chiếm 95,7% (877 dịch vụ trực tuyến toàn trình; 789 dịch vụ công trực tuyến một phần). Năm 2022: Tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,21%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 66,75%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 32,82%.

- Triển khai phát triển đô thị thông minh:

Đã xây dựng Trung tâm giám sát điều hành thông minh tỉnh Hà Nam, bao gồm: Máy tính chuyên dụng, màn hình hệ thống thiết bị mạng và các thiết bị phụ trợ khác để vận hành khai thác dữ liệu; thuê phần mềm nền tảng phục vụ hoạt động của Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hà Nam.

Hiện nay, đã tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin hiện có của các sở, ngành về Trung tâm điều hành thông minh, cụ thể các phần mềm ứng dụng tích hợp online: Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh, Quản lý văn bản và điều hành, Y tế, Trung tâm Điều hành thông minh Phủ Lý (đã tích hợp 10 Camera). Các chỉ số cơ bản về kinh tế - xã hội được các ngành cung cấp số liệu và cập nhật vào hệ thống định kỳ.

Đã xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thành phố Phủ Lý để thu thập, phân tích, chuẩn hóa dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của thành phố.

5. Kinh tế số

- Tỉnh Hà Nam có 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, tập trung chủ yếu tại thành phố Phủ Lý và trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ước tính là 2.697 doanh nghiệp. Khoảng 2.777 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng nền tảng số.

- Thương mại điện tử:

Triển khai 02 đề án phát triển thương mại điện tử: Đề án “Xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho một số sản phẩm của tỉnh Hà Nam", đề án “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Hà Nam". Các đề án được triển khai đều bảo đảm chất lượng và hiệu quả. Hỗ trợ cho 10 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp tham gia và có tài khoản bán hàng/gian hàng trên sàn, có tài khoản thanh toán điện tử.

Sàn thương mại điện tử tỉnh “Santhuongmaihanam.com.vn", Voso, PostMart  đã được trên 1.000 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia với 250 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn.

- Nộp thuế điện tử: 99,7% số doanh nghiệp của tỉnh đã nộp thuế điện tử.

- Hóa đơn điện tử: 100% số doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử.

- Trên địa bàn tỉnh có 133/134 điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối Internet băng rộng cố định.

6. Xã hội số

- Hoạt động của người dân trên môi trường mạng đã ghi nhận sự tăng trưởng cả về số lượng người sử dụng và thời lượng sử dụng.

- Số lượng tài khoản giao dịch của cá nhân mở tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Hà Nam là 802.597 tài khoản.

- Số lượng dân số ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân khoảng 1.840 chữ ký.

- Tỷ lệ người dân biết kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông ước tính là 47,3%.

- Đã triển khai hệ thống tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân qua hình thức trực tuyến: chuyên mục Hỏi đáp trên Cổng Thông tin điện tử, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử... Điều này góp phần thúc đẩy sự tham gia của người dân trong việc giải quyết các vấn đề của chính quyền.

- Đang triển khai gán mã, thông báo địa chỉ số đến từng hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, khu di tích.

- Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp đã tổ chức hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các nền tảng số như phần mềm tập huấn giáo viên, sổ liên lạc điện tử, phần mềm dạy học trực tuyến; sổ sức khỏe điện tử phần mềm tiêm chủng mở rộng; thanh toán số; hướng dẫn đăng ký cài đặt và sử dụng các tài khoản thanh toán điện tử, mô hình chợ 4.0 thanh toán số; sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số; tham gia sàn thương mại điện tử... Qua công tác tuyên truyền phổ biến về chuyển đổi số, người dân bước đầu đã làm quen với khái niệm chuyển đổi số, từng bước cài đặt và sử dụng các ứng dụng thông minh phục vụ công việc và cuộc sống. Đến nay, qua các hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng đã có hơn 430 đường Internet được người dân đăng ký mới; 1.125 thuê bao đi động nâng cấp sim 4G; hơn 350 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt được đăng ký; 13 doanh nghiệp đăng ký sử dụng chữ ký số...

Để góp phần hoàn thành được các chỉ tiêu trong Nghị quyết, hằng năm, cần ưu tiên bố trí kinh phí tối thiểu 01% tổng chi cân đối ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các hoạt động, chương trình, đề án, dự án ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh, chuyển đổi số như trong Nghị quyết đã nêu.

Dưới đây là một số hình ảnh về hoạt động chuyển đổi số thời gian vừa qua:

Pho TT ve lam viec.jpg
Đoàn Công tác của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với tỉnh về triển khai Đề án số 06

Doan cong tac kiem tra qua trinh thuc hien cac TTHC tai bo phan 1 cua xa Thanh Phong huyen Thanh liem (2).JPG

Đoàn Công tác của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và UBND tỉnh kiểm tra việc triển khai dịch vụ công liên thông tại xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm

DSC_1322.JPG
BND tỉnh tặng Bằng khen cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai Đề án số 06