Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kết quả thực hiện công tác tư pháp của Sở Thông tin và Truyền thông

Tin tức - Sự kiện  
Kết quả thực hiện công tác tư pháp của Sở Thông tin và Truyền thông
Ngay từ đầu năm, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nam đã ban hành Kế hoạch số 177/KH-STTTT ngày 28/02/2020 về ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2020.

Sở đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành: Quyết định số 145/QĐ-UBND ngày 13/01/2020 về công bố kết quả xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Hà Nam năm 2019; Kế hoạch số 147/KH-UBND ngày 17/01/2020 về thực hiện chuyển đổi IPv4 sang IPv6 cho hệ thống CNTT, Internet của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2021; Quyết định số 558/QĐ-UBND ngày 19/3/2020 về việc ban hành mã định danh các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc UBND tỉnh Hà Nam tham gia trao đổi văn bản điện tử thông qua hệ thống Quản lý văn bản và điều hành.

Công tác theo dõi, đôn đốc các phòng chuyên môn trong việc tham mưu xây dựng văn bản QPPL đảm bảo về chất lượng và tuân thủ theo đúng trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản QPPL luôn được chú ý. Sở thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL liên quan đến lĩnh vực ngành quản lý; rà soát các văn bản QPPL, văn bản không phải là văn bản QPPL nhưng có nội dung áp dụng chung (văn bản chứa QPPL) trong lĩnh vực thông tin truyền thông do HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành hiện đang còn hiệu lực thi hành hoặc đã hết hiệu lực thi hành nhưng chưa được công bố; rà soát các văn bản QPPL do HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành liên quan đến doanh nghiệp ngành thông tin và Truyền thông.

Sở đã ban hành Công văn số 408/STTTT-VP ngày 07/5/2020 về việc phối hợp thực hiện rà soát văn bản lĩnh vực Thông tin và Truyền thông. Trong đó, để giải quyết vướng mắc, hoàn thiện hệ thống pháp luật, sở đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều, đề xuất ban hành mới đối với 02 văn bản do UBND tỉnh Hà Nam ban hành thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Thông tin và Truyền thông có quy định gây vướng mắc, khó khăn, không còn phù hợp với thực tiễn.

Sở tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn trong việc triển khai thực hiện các văn bản QPPL: Luật Báo chí; Luật Xuất bản; Luật Viễn thông; Luật Bưu chính; Luật Tần số; Quy định quản lý thuê báo di động trả trước; Quy định quản lý Internet...

Sở có 04 lĩnh vực gồm 37 TTHC; 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Thông tin và Truyền thông được công khai trên Cổng Thông tin điện tử của sở và tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Từ đầu năm đến ngày 30/6/2020, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của sở đã tiếp nhận 69 bộ hồ sơ cần giải quyết. Triển khai 29/37 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 7/37 dịch vụ công trực tuyến mức 4. Tiếp nhận 58 bộ hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. 100% hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn.

Sở thường xuyên rà soát các TTHC cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới thuộc thẩm quyền giải quyết; thực hiện nghiêm các quy định về đơn giản hoá nâng cao chất lượng TTHC; rà soát bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của sở theo kế hoạch của UBND tỉnh Hà Nam; tiếp nhận xử lý các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của sở.

Nhìn chung, thời gian qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác Tư pháp của Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên được quan tâm, chú trọng; chất lượng và hiệu quả công việc ngày một rõ nét hơn. Việc công khai, đơn giản hóa và giải quyết các TTHC ngày càng đi vào nền nếp và hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng đạt kết quả thiết thực.

Trong thời gian tới, sở triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác trọng tâm: Tham mưu UBND tỉnh ban hành 02 văn bản QPPL: Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý, vận hành, kết nối, sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II; Quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật kết nối, chia sẻ giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dung chung của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm soát TTHC. Cung cấp và sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh. Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức cơ quan. Thường xuyên kiểm tra các văn bản QPPL thuộc lĩnh vực ngành quản lý và các văn bản tham mưu với UBND tỉnh ban hành. Tích cực rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL luật liên quan đến lĩnh vực ngành quản lý. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức trong kiểm soát TTHC. Thường xuyên rà soát, đánh giá và thực hiện các quy định về đơn giản hóa TTHC./.​