Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cục Viễn thông sẽ có công cụ để tra cứu, hỗ trợ người dùng kiểm tra để biết thuê bao gọi tới mình thuộc mạng nào

Thông tin phát triển ngành  
Cục Viễn thông sẽ có công cụ để tra cứu, hỗ trợ người dùng kiểm tra để biết thuê bao gọi tới mình thuộc mạng nào
Như VOV.VN đã thông tin, theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kể từ ngày 16/11/2018 các nhà mạng lớn VinaPhone, MobiFone và Viettel sẽ triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số đối với thuê bao trả sau. 3 tháng sau sẽ áp dụng với toàn bộ thuê bao trả trước.

Trước thông tin chuyển mạng giữ nguyên số người dùng đều rất vui mừng vì đây là cơ hội để trải nghiệm dịch vụ mạng tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều người dùng còn băn khoăn không rõ quyền lợi của mình được hưởng.

Anh Nguyễn Kiến An ở quận Thanh Xuân, Hà Nội nêu ý kiến, "theo tôi biết thuê bao chuyển đổi sẽ phải tìm hiểu và tham gia các dịch vụ giá trị gia tăng của mạng chuyển đến, chứ không tiếp tục duy trì các dịch vụ giá trị gia tăng của mạng chuyển đi. Như vậy, người dùng lại phải mất công tìm hiểu lại từng dịch vụ. Tôi mong nhà mạng sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn cho người dùng".

Còn chị Phạm Tuyết Hạnh, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chuyên kinh doanh hàng online chia sẻ, chị đang dùng hai điện thoại để gọi tương ứng nội mạng giúp giảm chi phí nhằm tăng hiệu quả kinh doanh. Dịch vụ chuyển mạng giữ số khiến chị thấy lúng túng trong việc xác định thuê bao thuộc nhà mạng nào.

"Trước đây chỉ cần nhìn đầu số tôi có thể biết thuộc nhà mạng nào. Cứ gọi nội mạng cũng tiết kiệm được tương đối. Thế nhưng giờ thì chịu không thể biết được mạng nào với mạng nào", chị Hạnh cho hay.

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, về cách nhận diện mạng của các thuê bao, trang web của Cục Viễn thông (vnta.gov.vn) đã có công cụ để tra cứu, người dùng có thể vào trang web để tải ứng dụng về.

"Khi muốn biết thuê bao gọi tới mình thuộc mạng nào có thể tra cứu trên hệ thống dữ liệu của Cục. Ứng dụng này cũng đã có trên các store của hệ điều hành iOS và Android. Người dùng smartphone có thể dễ dàng tải ứng dụng về để tra cứu số thuê bao nào thuộc mạng gì", ông Nguyễn Phong Nhã cho biết.

Theo quy định trong Thông tư 35, thuê bao chuyển mạng sau 90 ngày có quyền chuyển tiếp mạng khác hoặc quay lại mạng cũ, không hạn chế số lần chuyển.

Thời gian gián đoạn dịch vụ tối đa khi chuyển đổi là 2 ngày đối với thuê bao cá nhân, 3 ngày đối với thuê bao tổ chức, tuy nhiên với năng lực hiện tại của các nhà mạng, thực tế sẽ chỉ trong mất vài giây.

Theo Bộ TT&TT, dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số được triển khai sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường viễn thông, doanh nghiệp viễn thông, thuê bao di động và đáp ứng mục tiêu quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với thuê bao di động sẽ đem lại khả năng lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình trong khi vẫn giữ được số điện thoại, xóa bỏ rào cản phải thay số điện thoại mới, gây rắc rối trong công việc và sinh hoạt của người sử dụng.

Đối với doanh nghiệp viễn thông, đây là động lực cho doanh nghiệp di động tăng cường năng lực cạnh tranh của mình bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng nhất là các khách hàng lâu năm đã gắn bó với mình. Đây có thể coi là một kênh phát triển thuê bao trong bối cảnh thị trường viễn thông di động đang dần bão hòa.

Đối với thị trường viễn thông, việc tạo dựng môi trường cạnh tranh tương tự như nhiều nước trên thế giới sẽ giúp cho các doanh nghiệp di động có kinh nghiệm để phát triển kinh doanh ra các nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế./.​


Theo VOV.VN