Sở Thông tin và Truyền thông hiện có 26 công chức, viên chức; trong đó có 24 đảng viên. Với chức năng là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về thông tin và truyền trông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tham mưu thực hiện chuyển đổi số thì vai trò của tổ chức Đảng trong cơ quan có vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác lãnh đạo cán bộ, đảng viên thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị.
Trong thời gian qua, bên cạnh việc chú trọng nâng cao công tác chuyên môn, trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của chi ủy là tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao năng lực quản lý điều hành, tổ chức triển khai hoàn thành có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị. Để làm tốt yêu cầu này, Chi ủy đặc biệt coi trọng công tác tổ chức cán bộ, xây dựng đội cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Với mục tiêu xuyên suốt là đổi mới toàn diện, đồng bộ, triệt để từ tư duy, nhận thức tư tưởng đến các hành động, do đó công tác cán bộ trong những năm qua đã luôn được chi ủy chỉ đạo, thống nhất. Do đó lực lượng cán bộ chủ chốt và đội ngũ cán bộ, đảng viên của cơ quan hiện nay được đánh giá là đội ngũ lãnh đạo vững vàng về bản lĩnh chính trị và về chuyên môn.
Ngoài việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, Chi ủy luôn quan tâm và chú trọng đến công tác phát triển đảng trong đội ngũ công chức, viên chức; coi trọng chất lượng tư tưởng chính trị kết hợp với trình độ chuyên môn, đây là một mục tiêu, yêu cầu quan trọng trong định hướng phát triển đảng của chi bộ. Song song với việc rèn luyện, giới thiệu những quần chúng ưu tú cho Đảng, công tác chỉ đạo các hoạt động của đoàn thanh niên được chi bộ đặc biệt quan tâm, đây chính là nhóm đối tượng cần được thường xuyên bồi dưỡng tư tưởng, lý luận chính trị để vừa nâng cao nhận thức vừa góp phần hình thành phẩm chất đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ.
Với những nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị và đặc biệt là sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, Sở Thông tin và Truyền thông đã vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được những kết quả tích cực mặc dù biên chế của Sở Thông tin và Truyền thông rất ít so với yêu cầu, nhiệm vụ của ngành.
Là cơ quan tham mưu thực hiện thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông không chỉ đẩy mạnh cải cách hành chính tại cơ quan mà còn có trách nhiệm tham mưu đẩy mạnh cải cách hành chính trên toàn tỉnh.
Thời gian qua, công nghệ thông tin đã tạo ra một bước thay đổi đột phá trong quy trình giải quyết các thủ tục hành chính. Ứng dụng công nghệ thông tin chính là giải pháp hàng đầu nhằm đạt mục tiêu của cải cách hành chính, chuyển từ hành chính “xin-cho" sang hành chính “phục vụ, các thủ tục hành chính trở nên đơn giản, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp đến giao dịch.
Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam. Hệ thống đi vào hoạt động đã cho phép người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiến hành nộp hồ sơ trực tuyến, tự tra cứu và biết được tình trạng giải quyết thủ tục hành chính của mình mà không phải đến tận nơi cơ quan giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, người dân và doanh nghiệp có thể giám sát chất lượng các dịch vụ công một cách công khai, minh bạch thông qua phản hồi, đánh giá quá trình giải quyết thủ tục hành chính của mình.
Hiện nay, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam công khai toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. 06 tháng đầu năm 2023: Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 86,31%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 64,07%; tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Cổng Dịch vụ công tỉnh đã được kết nối, khai thác chính thức Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ tháng 11/2022.
Kể từ tháng 8/2022 đến nay, tỉnh Hà Nam luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính do Văn phòng Chính phủ đánh giá. Hiện nay, tỉnh Hà Nam đang đứng thứ ba cả nước về bộ chỉ số này với tổng số điểm đạt được là 80,09/100 điểm và là 01 trong 03 tỉnh được xếp vào loại tốt.
Đối với công tác cải cách hành chính tại Sở Thông tin và Truyền thông, Sở luôn tiên phong, gương mẫu đi đầu trong việc triển khai thực hiện. Năm 2022, Sở được UBND tỉnh đánh giá xếp thứ nhất trong các sở, ban, ngành về cải cách hành chính.
Trong thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu các giải pháp để thúc đẩy cải cách hành chính tại cơ quan cũng như trên địa bàn toàn tỉnh, cụ thể: Tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về việc giảm phí, lệ phí đối với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến để khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến (đã trình kỳ họp HĐND tháng 7/2023); tăng cường truyền thông và quảng bá hiệu quả về dịch vụ công trực tuyến để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích mang lại từ việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó, Chi bộ Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đoàn kết, nắm vững nhiệm vụ chính trị của cơ quan; thực hiện tốt quy chế phối hợp với lãnh đạo cơ quan; lãnh đạo đảng viên nêu cao ý thức tiên phong, gương mẫu, chấp hành kỷ luật, chấp hành sự phân công, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan.

Hiện nay, tỉnh Hà Nam xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố về Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính