Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kế hoạch cải cách hành chính năm 2017

Kế hoạch cải cách hành chính năm 2017
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) năm 2017 nhằm góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch, giảm tối đa thời gian, chi phí của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cách làm việc mới, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp và ưu việt hơn; nâng cao trách nhiệm, kỹ năng giải quyết các TTHC của cán bộ công chức; tạo cơ chế thống nhất trong phối hợp giữa các phòng, bộ phận và giữa các cán bộ công chức trong cơ quan, bảo đảm giải quyết công việc hiệu quả và chất lượng cao.

Theo đó, nhiệm vụ CCHC bao gồm:

1. Cải cách thể chế: Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin lĩnh vực công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Hà Nam; thường xuyên rà soát và kịp thời tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền bãi bỏ, thay thế hoặc sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực chuyên môn sở phụ trách cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương và quy định của pháp luật hiện hành; hoàn thành, triển khai các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, cơ chế, chính sách thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý của ngành; thực hiện tốt quy chế phối hợp hoạt động trên địa bàn tỉnh với các cơ quan chức năng liên quan.

2. Cải cách TTHC: Thực hiện Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; Quy định về tổ chức thực hiện công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh Hà Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 14/2015/QĐ-UBND ngày 14/7/2015 của UBND tỉnh Hà Nam; tiếp tục rà soát bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của sở theo kế hoạch của UBND tỉnh Hà Nam về việc thực hiện kiểm soát thủ tục, rà soát quy định hành chính; công khai, niêm yết đầy đủ kịp thời các TTHC mới ban hành hoặc được sửa đổi, bổ sung thay thế, đồng thời đề nghị bãi bỏ hoặc hủy bỏ theo quy định đối với TTHC không cần thiết, không còn phù hợp nhằm cắt giảm chi phí về thời gian và tài chính của người dân và doanh nghiệp; triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 21/01/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường kiểm soát TTHC, gắn với tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính thông qua hòm thư góp ý tại sở, trên Cổng Thông tin điện tử của sở và Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Nam; tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng về TTHC, kịp về thời gian theo quy định cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu thực hiện các TTHC thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông; duy trì Cổng Thông tin điện tử của tỉnh hoạt động thông suốt để đảm bảo cung cấp thông tin về việc thực hiện bộ TTHC của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu hoặc thực hiện các TTHC; cung cấp 95% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 thuộc thẩm quyền của Sở Thông tin và Truyền thông; tiến hành kiểm tra việc giải quyết TTHC tại 02 phòng chuyên môn.

3. Cải cách tổ chức bộ máy: Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế hiện có của các phòng chuyên môn và đơn vị trực thuộc, đề xuất cơ quan chức năng bổ sung biên chế hợp lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; gắn trách nhiệm của lãnh đạo phòng và đơn vị trực thuộc trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt hiệu quả; thường xuyên rà soát và bổ sung quy hoạch cán bộ theo yêu cầu của tỉnh; thực hiện quy trình bổ nhiệm và bổ nhiệm lại các chức danh lãnh đạo quản lý theo phân cấp; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả trong thực hiện cơ chế một cửa tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; từng bước hiện đại hóa nền hành chính trong cơ quan và đơn vị sự nghiệp thuộc sở; xây dựng, sửa đổi và ban hành quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị trực thuộc; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 về Chính sách tinh giản biên chế; thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức: Xây dựng kế hoạch biên chế, sắp xếp, bố trí công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan; tiếp tục luân chuyển, điều động, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức đúng quy định; chú trọng công tác dự nguồn, phát triển nguồn lực; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được phân công; nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; làm tốt công tác thi đua khen thưởng; kịp thời động viên tấm gương điển hình tiên tiến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; thường xuyên tạo điều kiện cho cán bộ công chức, viên chức tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành cũng như quản lý ngắn hạn và dài hạn do Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh tổ chức; đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin.

5. Cải cách tài chính công: Tiếp tục thực hiện tốt chính sách tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội theo quy định hiện hành; thực hiện mua sắm tài sản (trang thiết bị văn phòng, phương tiện làm việc và các tài sản khác) theo đúng quy định của UBND tỉnh tại Công văn số 1749/UBND-KTTH ngày 07/12/2011 về mua sắm tài sản theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; Công văn số 8947/BTC-KHTC ngày 04/7/2012 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn mua sắm tài sản, hàng hóa; tiếp tục thực hiện khoán kinh phí hoạt động theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông trực thuộc sở; rà soát, ban hành, sửa đổi bổ sung quy chế dân chủ, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản của Sở và đơn vị trực thuộc.

6. Hiện đại hoá hành chính: Đôn đốc các cơ quan thực hiện Quy định về gửi nhận văn bản trên môi trường mạng trong các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Hà Nam nhằm tăng cường trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhanh chóng, hiệu quả; thực hiện xử lý, điều hành trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành theo quy trình khép kín; kiểm tra, giám sát việc phối hợp triển khai chương trình nộp thuế điện tử giữa các đơn vị theo Công văn số 2394/UBND-KTTH ngày 09/11/2015 của UBND tỉnh Hà Nam về việc đẩy mạnh triển khai chương trình nộp thuế điện tử; triển khai thực hiện Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin  trong cơ quan nhà nước, trọng tâm xây dựng Chính phủ điện tử tỉnh. Tham mưu nâng cấp phiên bản mới và triển khai cho tất cả các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố và mở rộng đến xã, phường và kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản của tỉnh Hà Nam với trục liên thông Quốc gia; đôn đốc các cơ quan tăng cường sử dụng hộp thư công vụ; tiếp tục mở rộng bổ sung danh mục cán bộ công chức đến cấp xã; xây dựng và triển khai các dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với từng cơ quan đơn vị; thực hiện số hóa các văn bản giấy chưa ở dạng số để lưu trữ quản lý trên hệ thống máy tính, phục vụ cho việc lưu trữ, tra cứu nhanh chóng, thuận tiện; đôn đốc các cơ quan cập nhật và phát huy hiệu quả sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong các việc của cơ quan và trong quy trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC.

7. Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC: Ban hành kế hoạch CCHC và chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện theo quy định của Chính phủ, UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Nội vụ; phân công rõ trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ CCHC tại cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về CCHC; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện CCHC; đưa nội dung CCHC vào tiêu chí xét thi đua, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các phòng, đơn vị và từng cán bộ, công chức, viên chức; kết hợp CCHC với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để cán bộ, công chức, viên chức luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức, thay đổi lề lối làm việc chuyên nghiệp, giản dị gần gũi nhân dân.

8. Thực hiện cơ chế một cửa: Tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, tổ chức hoạt động của Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” đảm bảo hiệu quả công tác CCHC, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy định thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa kịp thời, đúng quy định của pháp luật; việc giải quyết TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả nhanh, đúng hẹn.